Nguyên nhân nào khiến trẻ khiếm thính?
Ths, BS CKI Trương Kim Tri (Phó trưởng khoa tai thính học, BV Tai – Mũi – Họng SG) cho biết, theo định nghĩa chuyên ngành, khiếm thính là tình trạng trẻ bị khuyến khuyết thính giác nặng hoặc sâu (tức là ở mức độ 3, 4) nhưng lại không được phát hiện và can thiệp kịp thời, dẫn đến trẻ không nói được do không nghe được.
Khiếm thính ở trẻ em có thể do những bất thường ở tai ngoài, tai giữa hay tai trong (thường gặp nhiều nhất ở tai trong) và những bất thường ở não hoặc dây thần kinh – nơi tiếp nhận âm thanh.
Nguyên nhân khiến trẻ khiếm thính được chia ra thành 2 nhóm chính, đó là: do di truyền và không do di truyền.
-
Nguyên nhân do di truyền
Thoái hóa dây thần kinh do di truyền từ việc ba mẹ nghiện rượu, hoặc do ba mẹ đồng huyết thống.
Trẻ bị khiếm thính có thể do di truyền (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
-
Nguyên nhân không do di truyền
Trẻ khiếm thính không do di truyền được phân thành 3 nhóm nhỏ: trước, trong hoặc sau khi sinh.
2.1 Trước khi sinh
- Mẹ bị nhiễm các loại virus sởi, rubella.
- Mẹ bị giang mai.
- Mẹ bị dị dạng tai, khiếm khuyết vành tai...
2.2 Trong khi sinh
- Trẻ bị ngạt do thiếu oxy.
- Trẻ bị viêm màng não, chấn thương não do can thiệp sản khoa.
- Mẹ bị nhiễm trùng, sinh non...
2.3 Sau khi sinh
- Trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm màng não, sởi, quai bị, viêm não....
- Mắc các bệnh của tai như viêm tai giữa cấp hoặc mãn tính.
- Chấn thương vào đầu, tổn thương vùng đầu.
Trẻ khiếm thính có thể điều trị được hay không?
Trẻ khiếm thính có thể do rất nhiều nguyên nhân và nhiều cấp khác nhau, nhưng nhờ sự tiến bộ của y học nên tất các cả các cấp độ khiếm thính đều có phương pháp điều trị. Từ những phẫu thuật tai ngoài, tai giữa, đến sử dụng máy trợ thính hoặc cấy hỗ trợ thính giác bằng đường xương, cấy rung tai giữa, cấy điện tử ốc tai hoặc cấy điện thính giác thân não.
Tất cả các phương pháp đều có thể giúp hỗ trợ thính giác cho trẻ nhằm giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.
Các cấp độ khiếm thính đều có phương pháp điều trị phù hợp (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên cần lưu ý với những trẻ bị khiếm thính bẩm sinh thì loại khiếm thính thường gặp nhất là khiếm thính thể ốc tai, loại khiếm thính này thường gặp ở mức độ từ nặng đến sâu. Phương tiện hỗ trợ đầu tiên là phải sử dụng máy trợ thính. Sau 3 – 6 tháng nếu không có sự cải thiện, bệnh nhi sẽ được xem xét và cân nhắc việc cấy điện tử vào ốc tai.
Với những trường hợp khiếm thính sâu ốc tai thì phương pháp điều trị duy nhất là cấy điện thính giác thân não, tuy nhiên phương pháp này chưa được triển khai tại Việt Nam.
Làm sao phát hiện trẻ bị khiếm thính để can thiệp kịp thời?
Thông thường cha mẹ chỉ đưa bé đi khám tai – mũi – họng khi thấy bé không phản ứng tốt với âm thanh và môi trường xung quanh hoặc thấy trẻ lớn nhưng vẫn chưa nói chuyện được. Tuy nhiên, khi phát hiện những dấu hiệu này mới đưa trẻ đi khám thì ba mẹ vô tình đã bỏ qua “thời gian vàng” để hỗ trợ can thiệp thính giác cho trẻ.
Theo ThS, BS Trương Kim Tri, dấu hiệu trẻ chậm nói, không nghe được là những dấu hiệu tốt để phát hiện trẻ khiếm thính, nhưng nó không phải là yếu tố giúp phát hiện sớm nhất. Ngày nay, với sự phát triển của y học trẻ có thể được phát hiện tình trạng khiếm thính thông qua các biện pháp tầm soát với các kỹ thuật đo thính giác phù hợp với mỗi giai đoạn và độ tuổi khác nhau.
Các kỹ thuật đo thính giác thường được áp dụng là:
- Kỹ thuật âm ốc tai hay còn gọi là đo OAE (có thể thực hiện ngay khi trẻ mới sinh một cách nhanh chóng và đơn giản).
- Đo nhĩ lượng và phản xạ cơ bàn đạp.
- Đánh giá khả năng nghe của trẻ thông qua test hành vi.
- Đo thính giác hành vi có hỗ trợ hình ảnh.
- Đo điện thính giác thân não.
- Đo đáp ứng bền vững tình trạng thính giác.
Máy trợ thính là biện pháp thường được áp dụng (Nguồn: Internet)
Khi phát hiện trẻ khiếm thính tùy vào từng mức độ nghe kém, trẻ sẽ có những can thiệp hỗ trợ thính giác khác nhau, ví dụ như:
- Dùng máy trợ thính ở giai đoạn trước 6 tháng tuổi.
- Cấy điện từ ốc tai ở giai đoạn từ 12 – 24 tháng tuổi.
- Tham gia các chương trình huấn luyện ngôn ngữ nhằm phục hồi thính giác kịp thời để trẻ có thể phát triển được ngôn ngữ cũng như lời nói đúng với sinhl lý của mình.
Như vậy, nếu trẻ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hiệu quả điều trị sẽ vô cùng khả quan, kể cả những trẻ bị điếc nặng và sâu, không đáp ứng với máy trợ thính, được chỉnh định cấy điện từ óc tai trong “giai đoạn vàng” đó là từ 12 – 24 tháng. Hơn thế, nếu được tham gia đầy đủ các chương trình huấn luyện thì bé sẽ phát triển như những đứa trẻ bình thường khác.
Phòng ngừa trẻ khiếm thính bằng cách nào?
Ba mẹ có thể chủ động phòng ngừa tình trạng khiếm thính ở trẻ em bằng cách cách sau đây:
- Chống các bệnh có thể gây khiếm khuyết thính giác từ yếu tố di truyền hoặc không di truyền.
- Tránh hôn nhân giữa những người bị điếc bẩm sinh, người có bệnh động kinh.
- Cấm các cuộc hôn nhân đồng huyết thống.
- Theo dõi chức năng nghe khi dùng các thuốc có ảnh hưởng đến ốc tai, ví dụ như thuốc kháng sinh aminosid,...
- Tránh tình trạng trẻ em khiếm thính bằng cách tham gia các chương trình tầm soát cho trẻ ngay từ khi mới sinh bằng các kỹ thuật đo thính giác tiên tiến hiện nay.
- Khi đã phát hiện và xác định trẻ khiếm thính, ba mẹ cần lên kế hoạch để có thể can thiệp, phục hồi thính giác sớm nhất cho trẻ, nhằm tạo cơ hội cho trẻ phát triển như những đứa trẻ bình thường khác.
Nhìn chung, trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm thì khả năng hồi phục sẽ rất cao. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bị khiếm thính, ba mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra thính lực, từ đó có được những phương pháp điều trị phù hợp.